tháng 9 20, 2022

Người tài đức

                                    


Tôi là người không thích nói nhiều, chỉ trầm lặng quan sát và nhìn thấy một số điều mà bản thân thấy được. 

Những người tài giỏi thường có những sở trường, điểm mạnh khác nhau. Trong mỗi cuộc 
đàm luận, mỗi vị mỗi ý kiến, ai cũng có những cái hay, tinh hoa của bản thân. Tuy nhiên 1 nước thì không thể có hai vua, nếu không thì sẽ không có chuyện tranh biện đôi bên.

Tôi sẽ không đề cập đến chuyện đúng sai vì đứng tại góc độ của mỗi người thì đều đúng cả, tôi cũng học hỏi được từ họ nhiều điều và có cơ hội mở rộng nhân sinh quan của mình. Tiếp xúc với những người giỏi hơn mình là cơ hội hiếm có để trau dồi bản thân. 

Tuy nhiên tôi cảm thấy thú vị vì những người ngoài cuộc thường lại có cái nhìn khách quan về người trong cuộc hơn và hiểu rõ vấn đề là gì, chỉ là đôi bên hiểu sai ngữ cảnh của nhau, chứ thực ra ai cũng đúng. Nếu mỗi người có thể hạ cái tôi của mình xuống, lắng nghe để hiểu ý của đối phương đang nói thì buổi chia sẻ này quả là hữu ích, giúp đôi bên tốt hơn.

Biển tuy ở chỗ thấp nhưng lại rộng lớn nhất. Người biết lắng nghe, khởi tâm khiêm tốn, không quá coi trọng ý kiến cá nhân thì lại là người nhận được nhiều nhất. Vì không cho rằng bản thân mình tài giỏi, hơn người nên mới có thể mở rộng tầm nhìn, học được nhiều ưu điểm, cái tốt của người khác. 

Khiêm tốn không phải là hạ thấp để coi thường bản thân mà là để thể hiện lễ nghĩa, sự tôn trọng ý kiến của người khác ngay cả khi ý kiến đó là hiểu sai về mình. Nếu điều bạn nói là muốn tốt cho mình thì mình thật sự cảm ơn và sẵn lòng lắng nghe. Nếu điều bạn nói là không đúng với mình thì mình cũng lắng nghe, tôn trọng, cảm ơn bạn và không nhất thiết phải phản bác phân minh. Điều này thể hiện cảnh giới, sự tu dưỡng trong từng lời nói cử chỉ, tâm thái của một người. Ví như câu chuyện tôi đọc được dưới đây:

****

1. Khổng Tử bàn việc “Bất sỉ hạ vấn” (Không ngại hỏi người dưới)

Có vị đại phu tên Khổng Ngữ nước Vệ thời Xuân Thu thông minh hiếu học, vô cùng khiêm tốn. Sau khi Khổng Ngữ qua đời, quân vương nước Vệ vì muốn người đời sau noi gương và phát huy tinh thần hiếu học của ông, nên đặc biệt phong tặng cho ông danh xưng “Văn Công”, người đời sau liền tôn vinh ông là Khổng Văn Tử. 

Tử Cống, học trò của Khổng Tử, ông không hiểu hà cớ gì Khổng Ngữ lại xứng đáng được đánh giá cao như vậy, bèn hỏi Khổng Tử rằng: “Dẫu rằng học vấn và tài hoa của Khổng Ngữ rất cao nhưng còn nhiều người kiệt xuất hơn ông ta, tại sao lại ban tặng cho ông danh hiệu ‘Văn Công’?”

 Khổng Tử nói: “Khổng Ngữ nỗ lực học tập, nếu có bất kỳ chỗ nào không hiểu, thì dù cho đối phương là người có địa vị hay học vấn không bằng ông, ông cũng rộng lượng khiêm nhường mà thỉnh giáo, không coi việc thỉnh giáo những người có địa vị, học vấn không bằng mình là chuyện đáng xấu hổ, đây chính là điểm khó có được. Thông minh, hiếu học, không ngại hỏi kẻ dưới, mới xứng gọi là “Văn”, do đó ban cho ông danh hiệu “Văn Công” không có gì không xứng đáng cả.” Tử Cống liền minh bạch sự tình. Bản thân Khổng Tử cũng vậy, ông học vấn uyên thâm, nhưng vẫn khiêm tốn học hỏi người khác, làm gương cho học trò.

2.  Đức khiêm nhường thụ phúc

Viên Liễu Phàm thời Minh cùng chín người trong huyện đi thi tiến sỹ, trong đó có một vị tên là Đinh Kính Vũ trẻ tuổi nhất, là người khiêm nhường, lễ nghĩa.

Viên Liễu Phàm liền bảo với người bạn tên Phí Cẩm Pha rằng: “Đinh Kính Vũ năm nay nhất định thi đỗ tiến sỹ.” 

Phí Cẩm Pha nói: “Làm sao mà biết được?”

Viên Liễu Phàm đáp rằng: “Khiêm nhường được phúc. Anh xem xem trong mười người chúng ta, có ai khiêm tốn bằng Đinh Kính Vũ, luôn giữ chữ tín, cung cung kính kính, trước đám đông, cậu ấy không kiên quyết giữ thành kiến của mình, có thể lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác mà không hề tỏ chút kiêu ngạo. Dù là chuyện rất nhỏ, cậu ấy cũng nghĩ cho người khác, vì thuận tiện cho người khác, điều này quả thực khó có được! Một người có thể đạt được cảnh giới cao như vậy, thần linh cũng sẽ bảo hộ cậu ấy, sao có thể có đạo lý thi trượt được!” 

Đến lúc công bố danh sách, Đinh Kính Vũ quả nhiên thi đỗ!

3. Đối diện với lời nói xấu, oán trách, phỉ báng, vẫn kiên trì cầu đạo không dao động

Có một người tự nhận là học rộng tên là Sỹ Thành Ỷ. Ông ta thường thấy mọi người ca ngợi Lão Tử có trí huệ cao thượng siêu nhiên, thế là lặn lội đường xa tìm đến bái kiến Lão Tử. Ông ta thấy nhà Lão Tử loạn tạp như ổ chuột, tức giận nói: “Nghe người ta nói ông là Thánh nhân có đại trí huệ, tôi đã đi mấy trăm dặm đến đây gặp ông, nào ngờ thấy ông như con chuột”.

Lão Tử nghe xong không hề có phản ứng gì. Sỹ Thành Ỷ chửi rủa xong liền quay người bỏ đi. Hôm sau, Sỹ Thành Ỷ thấy mình đã sai rồi, lại đến xin lỗi Lão Tử. 

Lão Tử bình thản nói: “Cái gì Thánh nhân với chẳng Thánh nhân, loại danh hiệu này, tôi đã vứt đi như vứt chiếc giày rách từ lâu rồi. Nếu tôi có được thực chất của đại Đạo thì có liên quan gì việc ông chửi tôi là trâu, là ngựa, hay là chuột? Tôi vẫn là tôi”.

****

Bậc quân tử phẩm chất cao thượng thường tâm thái bình ổn, khiêm nhường vô hạn, không tranh cao thấp, đặt mình sau lợi ích của người khác, vậy mà không chỗ nào là không vươn tới, đạt đến cảnh giới có thể dung nạp được vạn vật, gánh vác được đại sự. Người quá kiêu ngạo, coi trọng ý kiến bản thân thì sẽ có gián cách, ngăn trở con đường tu dưỡng và phát triển sau này.  

Có câu “Nước càng sâu càng tĩnh, người càng hiểu biết nhiều càng khiêm nhường” cũng chính là ý này . Trong phép ứng xử, nếu chúng ta có thể lùi một bước mà nhượng bộ thì sẽ thấy được một cảnh giới khác. Không ngạo mạn chính là khiêm, lùi một bước chính là khiêm, nói thêm một lời cảm ơn, xin lỗi cũng chính là khiêm vậy.



0 comments:

Đăng nhận xét

Trang trí đón trung thu cho blog/website bằng hình ảnh cành hoa, mặt trăng, lồng đèn và rước đèn Trang trí đón trung thu cho blog/website bằng hình ảnh cành hoa, mặt trăng, lồng đèn và rước đèn